Các thuốc điều trị phù mạch di truyền
Cập nhật: 4/4/2023
Tổng quan về các thuốc điều trị phù mạch di truyền
Phù mạch di truyền (Hereditary Angioedema - HAE) hầu hết gây ra do sự thiếu hụt về số lượng hoặc rối loạn về chức năng của chất ức chế thành phần bổ thể C1 (C1-INH), đây là một bệnh di truyền nên hiện tại không có phương pháp điều trị nguyên nhân. Các chiến lược điều trị tập trung vào việc giảm thiểu và/hoặc ngăn chặn các đợt cấp, giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống. Có hai cách tiếp cận điều trị: điều trị các đợt cấp khi cần và điều trị dự phòng (bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn).
Điều trị đợt cấp theo nhu cầu
Tổ chức Dị ứng Thế giới khuyến cáo mạnh mẽ việc điều trị sớm các đợt cấp của HAE bằng C1-INH cô đặc, icatibant hoặc ecallantide. Axit tranexamic hoặc androgen không hiệu quả đối với các đợt cấp của HAE. Điều trị đợt cấp khi mới xuất hiện giúp rút ngắn thời gian diễn biến cấp tính và giảm tỷ lệ tàn phế liên quan đến bệnh so với không điều trị. Do các đợt cấp có thể xảy ra bất chấp các biện pháp dự phòng nên mọi bệnh nhân cần có kế hoạch hành động để điều trị các đợt cấp, lý tưởng nhất là thông qua việc tự sử dụng thuốc.
C1-INH cô đặc có nguồn gốc từ huyết tương người hoặc tái tổ hợp sẽ thay thế protein ức chế C1 bị thiếu hoặc rối loạn chức năng, từ đó điều hòa quá trình sản xuất bradykinin thông qua ức chế hệ thống tiếp xúc. Cả C1-INH tái tổ hợp và có nguồn gốc từ huyết tương đều có hiệu quả và dung nạp tốt để điều trị các đợt cấp. Hiện tại, hai loại tinh chất C1-INH có nguồn gốc từ huyết tương và một loại C1-INH tái tổ hợp đang được sử dụng trên thế giới để điều trị các đợt cấp phù mạch di truyền khi cần.
Bên cạnh C1-INH cô đặc đòi hỏi tiêm tĩnh mạch còn có hai liệu pháp điều trị đợt cấp HAE dạng tiêm dưới da, bao gồm icatibant, một chất ức chế thụ thể bradykinin B2 và ecallantide, một chất ức chế kallikrein (chỉ được cấp phép ở Hoa Kỳ). Sử dụng ecallantide cần được giám sát tại cơ sở y tế do nguy cơ bị phản vệ, trong khi các phương pháp điều trị khác có thể đào tạo cho bệnh nhân hoặc người chăm sóc tự sử dụng.
Điều trị dự phòng
Dự phòng ngắn hạn
Bệnh nhân phù mạch di truyền nên được điều trị dự phòng ngắn hạn bằng C1-INH cô đặc trước các tình huống có thể gây ra một đợt cấp, ví dụ các thủ thuật về ngoại khoa và nha khoa hoặc các can thiệp y tế có xâm lấn. C1-INH đậm đặc là một phương pháp điều trị hiệu quả và dung nạp tốt trong điều trị dự phòng ngắn hạn . Tuy nhiên, do các đợt cấp vẫn có thể xảy ra nên việc tiếp cận điều trị theo nhu cầu là điều cần thiết.
Dự phòng dài hạn
Dự phòng dài hạn nhằm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt phù mạch cấp tính. Nhu cầu điều trị dự phòng dài hạn được quyết định dựa trên cơ sở từng bệnh nhân tùy thuộc vào các yếu tố như tần suất, mức độ nghiêm trọng của các đợt cấp, vị trí phù nề, bệnh mắc kèm và mức độ kiểm soát với liệu pháp điều trị theo nhu cầu. Bệnh nhân điều trị dự phòng dài hạn nên được theo dõi thường xuyên về hiệu quả và tính dung nạp của điều trị và nên có sẵn liệu pháp điều trị theo nhu cầu để xử trí các đợt cấp.
Lựa chọn hàng đầu bao gồm chất ức chế C1-esterase có nguồn gốc từ huyết tương, lanadelumab, berotralstat, lựa chọn hàng hai là các chất androgen giảm hoạt tính (danazol). Ngoài ra còn có thể dự phòng dài hạn bằng thuốc chống tiêu sợi huyết (acid tranexamic) trong trường hợp các thuốc lựa chọn hàng đầu không có sẵn hoặc bệnh nhân có chống chỉ định với androgen.
Lanadelumab tiêm dưới da, một kháng thể đơn dòng kháng kallikrein đã được chứng minh giúp giảm rõ rệt số đợt cấp của HAE trong thời gian điều trị 26 tuần. Một nghiên cứu nhãn mở sẽ được thực hiện để đánh giá hiệu quả và tính dung nạp lâu dài của lanadelumab.
Các chế phẩm C1-INH cô đặc có nguồn gốc từ huyết tương thường được sử dụng để dự phòng cho bệnh nhân phù mạch di truyền. Điều trị dự phòng định kỳ bằng C1-INH có nguồn gốc từ huyết tương tiêm tĩnh mạch có hiệu quả và được dung nạp tốt. Tuy nhiên, việc điều trị này đòi hỏi phải tiêm tĩnh mạch vốn gặp nhiều khó khăn ở bệnh nhân khó lấy ven và có hiệu quả hạn chế (giảm trung bình 51% số đợt cấp). Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả tốt của C1-INH tiêm dưới da trong điều trị dự phòng dài hạn HAE (giúp giảm trung bình 95% số đợt cấp). Việc tiêm dưới da cũng thuận tiện và dễ dàng hơn cho những bệnh nhân cần điều trị lâu dài. Hiện nay, có một chế phẩm C1-INH tiêm dưới da (Haegarda) đã được cấp phép tại Hoa Kỳ để điều trị dự phòng dài hạn HAE.
Androgen giảm hoạt tính cũng được sử dụng trong một thời gian dài để dự phòng dài hạn HAE. Liệu pháp này có lợi thế sử dụng đường uống và hiệu quả cao (giảm trung bình 83% các đợt cấp). Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị kéo dài và thường phụ thuộc liều. Nếu androgen giảm hoạt tính được sử dụng nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả (tối đa 100–200 mg danazol /ngày).
Axit tranexamic thường được sử dụng ở trẻ em, không hiệu quả bằng androgen giảm hoạt tính nhưng có ít tác dụng phụ hơn. Do còn thiếu các dữ liệu về hiệu quả điều trị và các lựa chọn thay thế đã có sẵn nên axit tranexamic thường không được khuyến cáo để điều trị dự phòng dài hạn.
Thuốc đang được nghiên cứu
BCX7353, một chất ức chế kallikrein trong huyết tương, hiện cũng đang được phát triển. Các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, liều uống hàng ngày ≥ 125 mg của BCX7353 giúp giảm đáng kể tỷ lệ các đợt cấp của phù mạch di truyền so với giả dược, với mức giảm lớn nhất là 74% được ghi nhận với liều 125 mg hàng ngày. Tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất là ở đường tiêu hóa.
Bài viết được hỗ trợ bởi Takeda.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- European Journal of Allergy and Clinical Immunology: The international WAO/EAACI guideline for the management of hereditary angioedema—The 2021 revision and update. DOI: 10.1111/all.15214
- Clinical and Translational Allergy: Reviewing clinical considerations and guideline recommendations of C1 inhibitor prophylaxis for hereditary angioedema (7 December 2021). DOI: 10.1002/clt2.12092
- Dr Hilary J Longhurst, Professor Konrad Bork (2019). Hereditary angioedema: an update on causes, manifestations and treatment. British Journal of Hospital Medicine, 80, 7: 391-398.
- Helen Lesser, Jason E. Cohn (2021). Hereditary angioedema. International Journal of Emergency Medicine 14:43
- Caballero T (2021). Treatment of Hereditary Angioedema. J Investig Allergol Clin Immunol 31(1): 1-16.