Các thuốc chống viêm trong điều trị dự phòng hen phế quản
Cập nhật: 17/11/2020
Việc điều trị duy trì với các thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng chính là nền tảng cơ bản trong chiến lược kiểm soát hen
Hen phế quản là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc đường thở, dẫn đến co thắt và tăng tính phản ứng của các nhánh phế quản. Bệnh có tính dao động rõ rệt với các cơn hen cấp xen giữa những giai đoạn ổn định không triệu chứng. Trong cơn hen cấp, người bệnh thường có biểu hiện ho, khó thở, khò khè, thở rít, xuất hiện chủ yếu về đêm, khi gắng sức, thay đổi thời tiết, hít phải khói bụi... Phản ứng viêm theo cơ chế dị ứng với sự tham gia chủ đạo của các bạch cầu ái toan có vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản. Do đó, việc điều trị duy trì với các thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng chính là nền tảng cơ bản trong chiến lược kiểm soát bệnh. Dưới đây là một số nhóm thuốc có tác dụng chống viêm được sử dụng trong điều trị dự phòng hen phế quản.
Corticoid dạng hít
Với những tác động thông qua gen, corticoid có tác dụng ức chế sự tổng hợp các protein viêm, dẫn đến giảm phản ứng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cho đến nay, các loại thuốc corticoid dạng hít như beclomethasone, budesonide, fluticasone... là liệu pháp chống viêm hiệu quả nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị kiểm soát hen phế quản. Ở những trẻ em mắc hen, corticoid dạng hít được cân nhắc dùng dự phòng khi trẻ có nhiều hơn 2 cơn hen hoặc 2 lần phải dùng thuốc cắt cơn hen hoặc 1 lần phải thức dậy về đêm vì triệu chứng hen mỗi tuần. Đối với hen ở người lớn, corticoid hít dự phòng được chỉ định khi người bệnh có ít nhất 1 đợt cấp nặng đòi hỏi điều trị bằng corticoid đường toàn thân trong vòng 2 năm trước đó. Nói chung, các loại corticoid dạng hít tương đối an toàn khi sử dụng ở liều trung bình và liều thấp, ngay cả khi dùng kéo dài. Tuy nhiên, ở liều cao, một vài nghiên cứu cho thấy, corticoid hít có thể gây ra một số tác dụng phụ hệ thống như ức chế tuyến thượng thận, chậm phát triển chiều cao ở trẻ em… Do đó, cần xác định liều thấp nhất của corticoid hít đủ hiệu quả kiểm soát hen với mỗi người bệnh. Ngoài ra, khi đã đạt được kiểm soát hen trong ít nhất 3 tháng liên tục, cũng cần cân nhắc giảm bậc điều trị bằng cách giảm liều corticoid hít đến một mức thích hợp để giảm nguy cơ tác dụng phụ và giá thành điều trị. Ciclesonide là một loại corticoid hít mới với công thức phân tử nhỏ nên có thể lắng đọng được ở các đường thở ngoại biên, đem lại hiệu quả điều trị cao hơn. Với tất cả các loại corticoid hít, việc dùng bình hít đúng kỹ thuật giúp tăng cường hiệu quả điều trị và giảm các tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân.
Các thuốc ức chế thụ thể leukotriene
Leukotriene là một nhóm hoạt chất trung gian có tham gia vào nhiều khâu trong phản ứng viêm niêm mạc đường thở, gây ra co thắt và tăng tính phản ứng phế quản thông qua sự tương tác với các thụ thể Cystinyl leukotriene. Các loại leukotriene được sản xuất với số lượng lớn ở niêm mạc đường hô hấp của các bệnh nhân hen, kể cả những người đang được điều trị với glucocorticoid đường hít. Trên cơ sở này, các thuốc với tác dụng ngăn ngừa hoạt tính của leukotriene thông qua việc ức chế các thụ thể leukotriene như montelukast, pranlukast, zafirlukast… đã ra đời và được thử nghiệm trong điều trị dự phòng hen phế quản. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, các thuốc ức chế thụ thể leukotriene có cả tác dụng chống viêm và giãn phế quản khi sử dụng trong điều trị hen phế quản, tuy nhiên, tác dụng chống viêm của chúng yếu hơn so với corticoid hít và tác dụng giãn phế quản cũng kém các thuốc cường bêta 2 giao cảm. Ưu điểm lớn nhất của nhóm thuốc này là dễ sử dụng vì dùng qua đường uống, độ an toàn cao và có tác dụng phối hợp. Các thuốc ức chế thụ thể leukotriene được đăng ký sử dụng ở người lớn và trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi trở lên để điều trị hen do dị ứng và hen do gắng sức, đặc biệt các trường hợp hen có kết hợp với viêm mũi dị ứng, thuốc có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp với corticoid hít.
Các kháng sinh nhóm macrolide
Bên cạnh hoạt tính kháng khuẩn, các kháng sinh macrolide như erythromycin, rovamycin… còn được cho là có tác dụng điều hòa hoạt động của các tế bào thuộc hệ miễn dịch và niêm mạc phế quản. Bên cạnh đó là tác dụng kháng khuẩn trực tiếp của các thuốc này đối với các chủng vi khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản như Chlamydia và Mycoplama pneumoniae. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu có được cho đến nay chưa khẳng định được một vai trò rõ rệt của các kháng sinh macrolide trong điều trị dự phòng hen phế quản, do qui mô của các nghiên cứu còn tương đối nhỏ.
Nhóm Cromone
Các dẫn xuất cromone như cromolyn sodium và nedocromil sodium là những chất có tác dụng ổn định màng tế bào mast, nhờ đó ngăn chặn được sự phóng thích hoạt chất trung gian từ các tế bào này và cắt bỏ giai đoạn sớm của đáp ứng viêm trong hen. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu có được cho đến nay cho thấy hoạt tính chống viêm rất yếu của nhóm thuốc này. Hiệu quả của các dẫn xuất cromone trong điều trị kiểm soát hen là khá khiêm tốn và chỉ được tìm thấy ở trẻ em.
Theophylline
Bên cạnh tác dụng giãn phế quản được biết đến từ nhiều năm nay, những nghiên cứu gần đây còn cho thấy theophyllin có tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch. Mặc dù cơ chế chính xác còn chưa được biết nhưng nó được cho là có tác dụng chống viêm thông qua việc làm giảm trình diện các gen tổng hợp protein viêm. Nồng độ gây chống viêm và điều hòa miễn dịch của theophylline thấp hơn so với nồng độ gây giãn phế quản của thuốc.
BS Nguyễn Hữu Trường (TT Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai)
Tin liên quan
- Hen phế quản ở người trưởng thành
- Ngày Hen Toàn cầu năm 2023
- Các thuốc điều trị phù mạch di truyền
- Những điều cần biết về phù mạch di truyền
- Cúm và bệnh hen phế quản
- Viêm mũi dị ứng
- Những điều ít biết về dị ứng
- Những nguyên nhân dị ứng hiếm gặp
- Khám tư vấn về nguy cơ dị ứng trước tiêm vaccine phòng COVID-19
- Ngày Hen toàn cầu (05-05-2021)