Viêm mũi dị ứng

Cập nhật: 18/6/2021

 Viêm mũi dị ứng 

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý mạn tính thường gặp nhất hiện nay trên thế giới, chiếm gần 50% tổng số các trường hợp viêm mũi và ảnh hưởng đến khoảng 3- 20% dân số nhiều nước, tỷ lệ mắc bệnh cũng ước tính tăng gần 2 lần trong 30 năm trở lại đây. Viêm mũi dị ứng có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nghỉ học, nghỉ việc. Cũng giống như trong các bệnh dị ứng khác, phản ứng viêm trong viêm mũi dị ứng gây ra do sự kết hợp của các dị nguyên gây bệnh như bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, biểu bì lông súc vật với các kháng thể IgE đặc hiệu, gây giải phóng các hoạt chất trung gian gây viêm như histamin, serotonin…

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 80% các trường hợp xảy ra ở trước tuổi 20. Ở người lớn, tỷ lệ viêm mũi dị ứng là tương đương giữa 2 giới, nhưng ở trẻ em dưới 10 tuổi, tỷ lệ gặp ở trẻ nam nhiều gấp 2 lần so với trẻ nữ. Bệnh cũng có tính chất di truyền rõ rệt. Nếu bố hoặc mẹ bị viêm mũi dị ứng thì các con của họ có 30% nguy cơ mắc bệnh, nếu cả bố và mẹ đều có tiền sử dị ứng thì nguy cơ này tăng lên tới 50%. Người bệnh viêm mũi dị ứng cũng thường mắc kèm theo nhiều loại bệnh dị ứng khác như viêm xoang, viêm kết mạc dị ứng, chàm và đặc biệt là hen phế quản. Các nghiên cứu về dịch tễ học cho thấy, viêm mũi dị ứng thường gặp ở những chủng người không phải da trắng, những người sống ở các khu vực bị ô nhiễm, những đứa trẻ sinh ra trong mùa phấn hoa hoặc có cơ địa dị ứng gia đình. Bệnh cũng thường gặp hơn ở những đứa con đầu lòng.

 

Các biểu hiện của bệnh như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong và ngạt mũi, một số bệnh nhân có thể có chảy mũi sau. Ngạt mũi có thể một bên hoặc hai bên hoặc di chuyển từ bên này sang bên kia, thường nặng lên về đêm, khiến bệnh nhân phải thở bằng mồm và ngủ ngáy. Trong cơn cấp của bệnh, bên cạnh các triệu chứng ở mũi, người bệnh viêm mũi dị ứng có thể có kèm theo các triệu chứng ở mắt (như ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt) và họng (như ngứa họng, ho, đau họng), tai (ngứa tai, chảy dịch tai), đặc biệt hay gặp trong thời kỳ đỉnh điểm của mùa phấn hoa. Các trẻ mắc bệnh kéo dài thường có thói quen xì mũi liên tục hoặc khụt khịt mũi và khạc nhổ, một số trẻ em có thể gặp các bất thường trong phát  triển sọ mặt và chậm mọc răng. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị đúng có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, phì đại cuốn mũi, rối loạn khứu giác, viêm họng và ho mạn tính (do hậu quả của chảy nước mũi sau), xuất hiện quầng thâm dưới mi mắt, đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ.

 

Viêm mũi dị ứng có 3 dạng là viêm mũi theo mùa - chiếm 20%, viêm mũi quanh năm - chiếm 40% và dạng hỗn hợp (tức là viêm mũi quanh năm nhưng triệu chứng nặng lên vào mùa phấn hoa) - chiếm 40%.

Viêm mũi dị ứng theo mùa thường xảy ra vào mùa xuân, mùa hè hoặc đầu thu, chủ yếu gây ra do các loại phấn hoa và bào tử nấm trong không khí. Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng theo mùa là ngứa mũi, hắt hơi và chảy mũi, biểu hiện ngạt mũi thường nhẹ. Mặc dù các triệu chứng thường xảy ra sau tiếp xúc với phấn hoa hoặc nấm mốc nhưng người bệnh cũng có thể có tăng tính phản ứng với một số yếu tố không đặc hiệu như khói thuốc lá, mùi thơm, thay đổi nhiệt độ hoặc gắng sức…

Viêm mũi dị ứng quanh năm có triệu chứng kéo dài hơn 9 tháng mỗi năm và thường gây ra do các loại bọ nhà, gián, biểu bì lông súc vật (như chó, mèo, gà, vịt) và bào tử nấm, một số ít trường hợp có thể gây ra do các loại thức ăn. Các bào tử nấm có thể tồn tại quanh năm trong không khí nhưng gặp nhiều nhất vào đầu xuân, cuối hè hoặc đầu thu do chúng dễ phát triển trong môi trường ẩm thấp và thiếu ánh sáng, đây có thể là nguyên nhân của cả viêm mũi theo mùa và quanh năm. Triệu chứng rõ rệt nhất của dạng viêm mũi này là chảy mũi sau, ngạt mũi và hắt hơi, xổ mũi và ngứa mũi thường ở mức độ nhẹ.

 

Điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm: 2 vấn đề cơ bản là ngăn ngừa sự tiếp xúc của người bệnh với dị nguyên gây bệnh và dùng các thuốc giảm triệu chứng. Với các loại dị nguyên theo mùa như phấn hoa, khó có thể tránh được hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu được sự tiếp xúc bằng cách đóng kín cửa và dùng điều hoà hoặc máy lọc không khí khi phấn hoa rụng nhiều, hạn chế ra ngoài trong khoảng từ 5 -10 giờ sáng là khoảng thời gian phấn hoa rụng nhiều nhất. Để giảm thiểu các loại dị nguyên bụi nhà và lông súc vật, nên dùng các loại vỏ gối và ga trải giường bằng chất dẻo, thay thế các chất liệu từ da và lông súc vật bằng các chất liệu tổng hợp, không dùng các vật dụng trong nhà có khả năng bắt bụi cao như thảm, rèm treo… Ngoài ra, cũng cần tạo đủ ánh sáng trong nhà để hạn chế sự phát triển của nấm mốc và mang khẩu trang khi dọn dẹp các đồ đạc có bụi.

Nếu xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh nhưng không thể loại bỏ được hoàn toàn các dị nguyên này hoặc người bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, có thể tiến hành giảm mẫn cảm (còn gọi là liệu pháp miễn dịch đặc hiệu) bằng cách đưa một số lượng tăng dần dị nguyên gây bệnh vào cơ thể người bệnh qua đường tiêm dưới da, đường uống hoặc nh dưới lưỡi, để cơ thể có thể dung nạp dần với các dị nguyên này. Đây là phương pháp điều trị duy nhất có thể giúp chữa khỏi bệnh, tác động vào chính cơ chế sinh bệnh học của phản ứng dị ứng.

Kháng histamine đường uống là các thuốc được sử dụng rộng rãi nhất để giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng, thuốc có tác dụng tốt với các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi và chảy mũi, ít tác dụng với triệu chứng ngạt mũi. Các dẫn xuất mới như loratadine, levocetirizine, fexofenadine… được ưa dùng do có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ. Gần đây, các thuốc kháng histamine xịt mũi như azelastine được khuyến khích sử dụng do khởi phát tác dụng nhanh, ít tác dụng phụ và giảm ngạt mũi tốt hơn so với đường uống. Tác dụng phụ thường gặp là gây đắng miệng và buồn ngủ ở một số ít bệnh nhân.

Các thuốc co mạch xịt tại chỗ (như xylomethazoline, ephedrine) hoặc uống (như pseudoephedrine) có tác dụng rất tốt với triệu chứng ngạt mũi, do đó, nên được dùng phối hợp với các thuốc kháng histamine trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng. Cần lưu ý hạn chế việc dùng các thuốc co mạch dạng xịt trong 3-5 ngày để tránh biến chứng viêm mũi do thuốc. Tránh dùng các thuốc co mạch đường uống ở bệnh nhân tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt, lo âu, mất ngủ và phụ nữ có thai.

Hiện nay, các thuốc corticosteroid dạng xịt như mometasone, triamcinolone, fluticasone, budesonide… là nhóm thuốc có hiệu quả tốt nhất trong điều trị kiểm soát dài hạn viêm mũi dị ứng, đặc biệt là các trường hợp nặng. Tác dụng của các thuốc này thường chỉ xuất hiện đầy đủ sau ít nhất 1 -2 tuần điều trị, do đó, thường phải phối hợp thêm các thuốc kháng histamine trong những ngày đầu điều trị bằng corticosteroid xịt. Những trường hợp nặng, có thể dùng một đợt ngắn ngày các thuốc corticosteroid uống như prednisolone, methylprednisolone để giảm nhanh triệu chứng .

Các dẫn xuất cromolyn xịt mũi như nedocromil, cromoglycate trước đây được sử dụng rất rộng rãi trong điều trị kiểm soát viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, từ khi có sự ra đời của các thuốc corticosteroid dạng xịt, các thuốc này đã ít được dùng hơn. Thuốc có tác dụng ức chế sự phân huỷ của các tế bào mast, từ đó ngăn ngừa phản ứng viêm dị ứng. Thuốc có tác dụng chống viêm và giảm triệu chứng kém hơn so với corticosteroid xịt và thuốc kháng histamine, đặc biệt là trong các trường hợp viêm mũi nặng và có triệu chứng quanh năm. Tuy nhiên, thuốc có độ an toàn khá cao, đặc biệt là ở phụ nữ có thai và trẻ em, các tác dụng phụ thường gặp nhất là hắt hơi (10%), cảm giác rát mũi (4% to 5%) và chảy máu cam (< 1%).

Các thuốc kháng leukotriene như montelukast gần đây cũng được chứng minh là có thể giúp cải thiện triệu chứng ở một số bệnh nhân viêm mũi dị ứng, đặc biệt là các trường hợp viêm mũi theo mùa có kết hợp với hen hoặc viêm kết mạc dị ứng. Thuốc dùng đường uống nên thường được lựa chọn sử dụng ở trẻ em hoặc những người không có khả năng dùng thuốc xịt.

Kháng thể đơn dòng kháng IgE - Omalizumab, là loại thuốc sinh học đã được thử nghiệm thành công và được cấp phép trong điều trị nhiều loại bệnh dị ứng khác nhau.  Trong viêm mũi dị ứng, thuốc cũng được chứng minh giúp cải thiện triệu chứng ở những trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

 

(Nguồn: Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng)

Phone
Top